Do theme mới chưa tối ưu các bài viết cũ nên sẽ lỗi hiển thị, quản trị viên đang sửa lỗi, mong bạn đọc thông cảm!

Lý thuyết màu sắc, vòng thuần sắc và kỹ năng phối màu

Lý thuyết màu sắc, vòng thuần sắc và kỹ năng phối màu
Màu sắc tác động rất nhiều đến tâm trí của chúng ta. Nó có thể thay đổi cách chúng ta cảm nhận về một vật thể chỉ trong vòng vài giây. Trong bài viết này sẽ giải thích thuật ngữ hữu ích giúp cho việc làm chủ màu sắc trở nên dễ dàng hơn.

Lý thuyết màu sắc và vòng thuần sắc

Đã bao giờ bạn tự hỏi làm thế nào mà các nhà thiết kế có thể tìm thấy sự kết hợp màu sắc hoàn hảo? Đơn giản là nhờ Lý thuyết màu sắc (Color theory). Lý thuyết màu sắc là sự kết hợp thực tế giữa nghệ thuật và khoa học, sử dụng để xác định.

Bất cứ nơi nào có ánh sáng, nơi đó có màu sắc. Chúng ta thường nghĩ rằng, màu sắc đứng độc lập với nhau. Màu chúng ta thường nhìn thấy một mình luôn luôn bị ảnh hưởng bởi những màu xung quanh. Đúng hơn là nó chính là sự kết hợp của những yếu tố xung quanh.

Vòng thuần sắc (Color Wheel) được phát minh vào năm 1666 bởi Isaac Newton. Ông đã ánh xạ phổ màu lên một vòng tròn, tạo nên một công cụ tham chiếu màu sắc được sử dụng nhiều nhất trong thiết kế. Vòng thuần sắc là cơ sở của lý thuyết màu sắc, bởi nó cho thấy mối quan hệ rõ ràng nhất giữa các màu.

Các màu kết hợp với nhau trông rất đẹp, tạo cho người xem một sự cân bằng, dễ chịu ta gọi là sự Hài hòa màu sắc (Color harmony). Và chính vòng thuần sắc sắc là công cụ để các nhà thiết kế tạo nên sự hài hòa bằng cách sử dụng các quy tắc phối màu. Tuy nhiên, lưu ý là vòng thuần sắc chỉ là công cụ tham chiếu màu, không phải là công cụ lựa chọn màu sắc.

Có ba loại vòng thuần sắc:

  • RYB (Red - Yellow - Blue, tức Đỏ - Vàng - Xanh lam): thường được các nghệ sĩ sử dụng nhiều trong lĩnh vực hội họa.
  • RGB (Red - Green - Blue, tức Đỏ - Xanh lục - Xanh lam): ứng dụng nhiều nhất trong việc hiển thị màu sắc trong các ống tia âm cực, màn hình tinh thể lỏng hay màn hình plasma, chẳng hạn như màn hình máy tính hay tivi.
  • CMYK (Cyan - Magentas - Yellow - Black, tức Xanh lơ - Tím - Vàng - Đen): ứng dụng nhiều trong lĩnh vực in ấn.

Các màu cấu tạo nên vòng thuần sắc

Có 12 màu chính trên vòng thuần sắc, chia làm ba cấp độ: màu chính (màu bậc một), màu bậc hai, màu bậc ba. Những màu chính không thể được tạo ra bằng cách pha trộn các màu khác. Màu bậc hai là kết quả của việc kết hợp hai màu chính. Màu bậc ba có được nhờ trộn dải màu bậc 2.

Màu cơ bản (màu chính - màu bậc 1)

RYB có ba màu chính bao gồm Đỏ, Vàng Xanh lam.

RYB Đỏ (Red) Vàng (Yellow) Xanh lam (Blue)

Theo lý thuyết màu sắc, nếu pha trộn ba màu cơ bản với nhau theo các tỉ lệ khác nhau sẽ tạo ra tất cả các màu còn lại. Còn nếu trộn đều chúng với cùng tỉ lệ sẽ cho màu đen.

RGB thì ba màu chính bao gồm Đỏ, Xanh lá Xanh lam.

RGB Đỏ (Red) Xanh lá (Green) Xanh lam (Blue)

Theo lý thuyết màu sắc, nếu pha trộn ba màu cơ bản với nhau theo các tỉ lệ khác nhau sẽ tạo ra tất cả các màu còn lại. Còn nếu trộn đều chúng với cùng tỉ lệ sẽ cho màu trắng (ánh sáng).

CMYK có ba màu chính bao gồm Xanh lơ, Tím, Vàng Đen (phụ).

CMYK Xanh lơ (Cyan) Tím (Magentas) Vàng (Yellow) Đen (Key)

Màu bậc hai

Màu bậc hai là kết quả của việc trộn hai màu cơ bản với nhau.

RYB có ba màu bậc hai bao gồm Tím, Cam Xanh lá.

Đỏ (Red) + Vàng (Yellow) = Cam (Orange)
Vàng (Yellow) + Xanh lam (Blue) = Xanh lá (Green)
Xanh lam (Blue) + Đỏ (Red) = Tía (Purple)

RGB có ba màu bậc hai bao gồm Xanh lơ, Hồng sẫm Vàng.

Đỏ (Red) + Xanh lá (Green) = Vàng (Yellow)
Xanh lá (Green) + Xanh lam (Blue) = Xanh lơ (Cyan)
Xanh lam (Blue) + Đỏ (Red) = Tím (Magenta)

CMYK có ba màu bậc hai bao gồm Xanh lam, Đỏ Xanh lá.

Xanh lơ (Cyan) + Tím (Magenta) = Đỏ (Red)
Tím (Magenta) + Vàng (Yellow) = Xanh lá (Green)
Vàng (Yellow) + Xanh lơ (Cyan) = Xanh lam (Blue)

Màu bậc ba

Màu bậc ba là màu được tạo bằng cách kết hợp các màu cơ bản với màu bậc hai.

RYB có sáu màu bậc ba bao gồm:

Đỏ (Red) + Cam (Orange) = Đỏ cam (Vermillion)
Cam (Orange) + Vàng (Yellow) = Vàng cam (Amber)
Vàng (Yellow) + Xanh lá (Green) = Xanh nõn chuối (Chartreuse)
Xanh lá (Green) + Xanh lam (Blue) = Xanh lơ (Teal)
Xanh lam (Blue) + Tía (Purple) = Xanh tím
Tía (Purple) + Đỏ (Red) = Đỏ tím (Magenta)

RGB có sáu màu bậc ba bao gồm:

Đỏ (Red) + Vàng (Yellow) = Cam (Orange)
Vàng (Yellow) + Xanh lá (Green) = Xanh nõn chuối (Chartreuse)
Xanh lá (Green) + Xanh lơ (Cyan) = Xanh lá (Spring green)
Xanh lơ (Cyan) + Xanh lam (Blue) = Xanh da trời (Azure)
Xanh lam (Blue) + Hồng sẫm (Magenta) = Tím Violet (Violet)
Hồng sẫm (Magenta) + Đỏ (Red) = Hồng Rose (Rose)

Mã màu RYB và RGB

12 màu chính của RYB:

RED
#FE2712
R-O
#FC600A
ORANGE
#FB9902
Y-O
#FCCC1A
YELLOW
#FEFE33
Y-G
#B2D732
GREEN
#66B032
B-G
#347C98
BLUE
#0247FE
B-P
#4424D6
PURPLE
#8601AF
R-P
#C21460

12 màu chính của RGB:

RED
#FF0000
(255,0,0)

#FF8000
(255,128,0)
YELLOW
#FFFF00
(255,255,0)

#80FF00
(128,255,0)
GREEN
#00FF00
(0,255,0)

#00FF80
(0,255,128)
CYAN
#00FFFF
(0,255,255)

#0080FF
(0,128,255)
BLUE
#0000FF
(0,0,255)

#8000FF
(128,0,255)
MAGENTA
#FF00FF
(255,0,255)

#FF0080
(255,0,128)

Phối hợp màu sắc (Color combination)

Phối màu bổ sung (Complementary)

Đây là cách kết hợp màu phổ biến nhất, sử dụng hai màu nằm đối lập trên vòng thuần sắc. Các màu này nhìn đẹp một cách tự nhiên khi đi với nhau vì tác động mạnh vào người nhìn do độ tương phản cao, đi cùng nhau nhìn sẽ sáng hơn, nổi bật hơn. Tuy nhiên tránh sử dụng hai màu tỉ lệ ngang bằng nhau, bạn nên chọn một màu nổi trội hẳn và màu còn lại dùng cho các chi tiết đi kèm nhỏ hơn cho đỡ bị thô.

Phối màu đơn sắc (Monochromatic)

Phối màu đơn sắc nghĩa là bạn sẽ lấy ra một màu yêu thích và sử dụng các biến thể tint, shade, tone (sẽ giải thích rõ ở nội dung bên dưới) để tạo nên các tác phẩm có màu sắc tinh tế, đầy đủ đậm nhạt khác nhau, tạo thành 1 dải màu monochromatic.

Phối màu đơn sắc vừa có tính tối giản vừa mang tới giá trị cao cho tác phẩm. Cách phối màu này rất thuận mắt và dễ chịu với người nhìn, mang tới sự tập trung cao độ, người xem không bị xao nhãng mà chỉ tập trung vào nội dung quan trọng.

Đây là sự kết hợp màu sắc linh hoạt, dễ áp dụng cho các dự án thiết kế trang trí nhà cửa, căn hộ nhỏ... giúp không gian trở nên sáng và rộng rãi hơn. Đối với không gian rộng lớn, monochromatic càng tăng thêm sự khoáng đạt của không gian đó.

Phối màu tương đồng (Analogous)

Màu tương đồng là một nhóm thường là ba màu đứng cạnh nhau trong vòng thuần sắc (không phân biệt nóng - lạnh), đứng gần nhau trông khá giống nhau tạo nên những kiểu phối màu rất nhã nhặn và thu hút.

Kết hợp màu theo kiểu tương đồng đa dạng về màu sắc hơn so với phối màu đơn sắc. Tuy nhiên, nếu bạn để các màu có tỷ lệ tương đương thì chúng dễ áp đảo nhau, nhìn hơi rối mắt. Cách tốt nhất để cân bằng là chọn một màu chủ đạo và sử dụng các màu còn lại làm điểm nhấn.

Phối màu bộ ba (Triadic)

Cách phối màu này sử dụng ba màu cách đều nhau trên vòng thuần sắc tạo nên một dải màu có độ tương phản cao, nhưng ít hơn so với phối màu bổ sung. Sự kết hợp này tạo ra các dải màu đậm, rực rỡ.

Ba màu nằm ở ba góc khác nhau trên vòng thuần sắc nên chúng kết hợp và bổ sung cho nhau tạo nên một sự cân bằng cho cách phối màu này. Tuy nhiên, cũng chính vì sự cân bằng này, dù có đến ba màu được sử dụng nhưng đôi khi bạn vẫn sẽ thấy cách kết hợp này khá đơn điệu, an toàn và thiếu sáng tạo.

Phối màu bộ bốn (Tetradic)

Cách phối màu này sử dụng bốn màu cách đều nhau trên vòng thuần sắc. Tuy nhiên bạn phải cẩn thận không dùng cả bốn màu với cùng một mức độ vì nó sẽ tạo ra sự hỗn loạn. Càng có nhiều màu sắc trong bảng màu của mình, thì càng khó cân bằng.

Phối màu bộ bốn hoạt động tốt nhất khi bạn chọn một màu chủ đạo và sử dụng các màu còn lại làm điểm nhấn.

Màu nóng và màu lạnh

Vòng thuần sắc được chia thành khu vực màu nóngmàu lạnh. Các cách phối màu sắc sử dụng vòng thuần sắc thường sẽ cân bằng giữa màu nóng và màu lạnh. Theo tâm lý màu sắc, "nhiệt độ" màu sẽ gợi nên những cảm giác khác nhau khi ta nhìn vào một thiết kế. Ví dụ: màu nóng sẽ mang lại cho người xem sự thoải mái và tràn đầy năng lượng, trong khi đó màu tối lại cho cảm giác yên bình và tĩnh lặng.

Màu nóng nằm trong khoảng từ Đỏ đến Vàng. Những màu sắc rực rỡ trong khoảng này giống như ánh mặt trời, dùng khi muốn gây sự chú ý. Màu nóng có ảnh hưởng mạnh mẽ, làm tác động đến không gian chung quanh nó.

Màu lạnh nằm trong khoảng Xanh lá đến Tím. Những màu này mang đến tâm trí sự mát mẻ, nhẹ nhàng.

Tint, Shade và Tone

Tint là màu sắc được tạo ra sau khi thêm màu trắng vào màu ban đầu để tăng độ sáng của màu. Tint giúp làm giảm độ "dữ dội" của màu sắc, khá hữu dụng trong việc cân bằng màu sắc khi phối màu.

Shade là màu sắc được tạo ra sau khi thêm màu đen vào màu ban đầu để giảm độ sáng và tăng độ tối của màu. Shade tạo ra màu sắc sâu hơn và đa dạng hơn. Shade để ấn tượng mạnh và có thể áp đảo các màu khác.

Tone là màu sắc được tạo ra sau khi thêm màu xám vào để làm nhạt đi màu ban đầu. Tone là phiên bản tinh tế hơn của màu gốc.

Thuộc tính của màu sắc

Hue - Tông màu

Hue là tổ hợp của 12 màu sắc khác nhau trên vòng thuần sắc. Hue chính là yếu tố sử dụng để chuyển hóa thành Tint, Shade, Tone đã nói ở trên bằng cách thêm các màu đen, trắng, xám vào các tông màu ban đầu.

Saturation - Độ bão hòa

Saturation không được tạo thành khi bạn trộn lẫn Hue với các màu sắc khác mà đơn giản chỉ là cách màu sắc được hiển thị dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau. Saturation giúp miêu tả màu sắc đậm hay nhạt theo các cường độ ánh sáng mạnh - nhẹ khác nhau. Giá trị này còn được gọi là cường độ màu sắc.

Luminance - Độ sáng

Luminance là độ sáng hoặc tối của một màu sắc nào đó, thay đổi độ sáng tối các màu bằng cách kéo Luminance của chúng qua phải hoặc trái.

Màu sắc là tinh hoa của nhân loại. Hãy học cách sử dụng màu sắc một cách thật hiệu quả trong công việc và cuộc sống, kết quả mang lại sẽ thật sự làm bạn hài lòng đấy.
Just a ordinary man...

© 2020 - Chun Productions. Giữ toàn quyền.
Nội dung được bảo hộ bởi DMCA.
Nghiên cấm sao chép dưới mọi hình thức!


Đang tính thời gian tải trang...